TRANG CHỦWTOGiới thiệu
01/11/2023

10 điều hiểu sai về WTO

WTO được thành lập nhằm tạo nên một diễn đàn thương mại, nơi các vấn đề liên quan đến thương mại được đưa ra bàn bạc, đàm phán một cách công khai, thẳng thắn. Các cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ cũng có thể tham gia diễn đàn thương mại toàn cầu này một cách gián tiếp thông qua chính phủ của mình. Tuy nhiên, việc tranh luận và đàm phán trên diễn đàn này chỉ thực sự có hiệu quả khi người ta có những hiểu biết đúng đắn về chức năng và nhiệm vụ của WTO.
1. WTO áp đặt các chính sách:
Không đúng vì:
WTO không vạch đường chỉ lối cho các nước thành viên trong việc thực hiện các chính sách thương mại. Ngược lại, nó là một tổ chức chịu sự điều hành của các nước thành viên.
Điều đó có nghĩa là:
- Các nguyên tắc của WTO là sự đồng thuận thông qua đàm phán giữa các nước thành viên,
- Các nguyên tắc của WTO được quốc hội của các nước thành viên phê chuẩn
- Các quyết định của WTO nhìn chung là dựa trên sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.
Nói cách khác, việc thông qua các quyết định của WTO là công khai, dân chủ và có trách nhiệm.
Cơ hội duy nhất để WTO có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của một nước nào đó là khi các tranh chấp có liên quan được đưa ra xem xét tại WTO và được quyết định bởi Cơ quan giải quyết tranh chấp (cơ quan này bao gồm tất cả các nước thành viên). Thông thường, Cơ quan giải quyết tranh chấp đưa ra quyết định dựa trên các phán quyết của các ủy ban hoặc dựa trên hồ sơ phúc thẩm.
Thậm chí ngay cả khi phạm vi của các quyết định là nhỏ: Nó có thể đơn giản là việc đánh giá hoặc giải thích xem một nước có vi phạm hiệp định của WTO hay không – hiệp định mà tự thân nước thành viên đó đã chấp nhận. Nếu như nước thành viên đó đã vi phạm hiệp định, nó sẽ bị buộc phải tuân theo.
Dưới mọi góc độ, WTO không bao giờ bắt các nước phải chấp nhận hoặc từ bỏ một chính sách cụ thể nào.
Ban thư ký cũng chỉ đơn thuần là một bộ phận cung cấp các các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hành chính cho WTO và các nước thành viên.
 2. WTO vì mục đích thương mại tự do với bất cứ giá nào:
Một trong các nguyên tắc của hệ thống thương mại WTO là nhằm khuyến khích các nước thành viên hạ thấp rào cản thương mại và tạo điều kiện cho giao dịch thương mại được thực hiện tự do hơn. Xét cho cùng thì chính các nước thành viên có lợi từ việc giao dịch thương mại tăng lên do rào cản thương mại được hạ thấp.
Tuy nhiên việc hạ thấp các rào cản thương mại đến mức nào là do các nước thành viên thương lượng. Quan điểm đàm phán của họ phụ thuộc vào việc họ sẵn sàng hạ thấp rào cản thương mại đến mức nào và những gì mà họ muốn thương lượng cũng như dựa trên tiêu chí hai bên đều có lợi.
Vai trò của WTO là tạo ra một diễn đàn cho việc tự do đàm phán và cung cấp các nguyên tắc cho việc tự do hoá thương lượng đó.
Các quy định trong các hiệp định cho phép việc hạ thấp các rào cản thương mại được tiến hành một cách từ từ, để các nhà sản xuất nội địa có thời gian thích nghi với những thay đổi này.
Các hiệp định cũng quy định xem xét những khó khăn mà những nước đang phát triển phải đối mặt. Các quy định đều cho các nước thành viên biết lộ trình giảm thuế và cách thức bảo vệ các nhà sản xuất nội địa, chống lại việc nhập khẩu hàng hoá có giá thấp bất hợp lý do được trợ cấp hoặc phá giá. Mục tiêu ở đây là vì một nền thương mại công bằng.
Cũng quan trọng như thương mại tự do – còn – là các nguyên tắc khác của WTO như: không phân biệt, phải bảo đảm các điều kiện thương mại ổn định, có thể đoán trước và minh bạch. 
3. WTO chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại. Lợi ích thương mại quan trọng hơn sự phát triển:
Các hiệp định của WTO đều có các điều khoản chú trọng đến lợi ích của sự phát triển.
Tự do thương mại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ phát triển. Theo nghĩa đó, thương mại và phát triển thúc đẩy lẫn nhau. Đồng thời lợi ích của các nước đang phát triển có được quan tâm đúng mức hay không cũng là một chủ đề đang được tiếp tục tranh luận tại WTO. Điều đó không có nghĩa là WTO không mang lại điều gì cho những nước này. Các hiệp định của WTO có rất nhiều điều khoản tính đến lợi ích của những nước đang phát triển.
Trước khi phải thực hiện một số điều khoản của một hiệp định cụ thể, các nước đang phát triển được dành nhiều thời gian hơn . Các nước kém phát triển nhất được hưởng sự đối xử đặc biệt, kể cả việc miễn thực hiện nhiều điều khoản trong các hiệp định.
Các yêu cầu phát triển còn có thể được sử dụng để biện minh cho một số hành động mà bình thường nó có thể không được phép áp dụng theo các quy định trong hiệp định chẳng hạn như hành động trợ cấp. 
4. Coi trọng lợi ích thương mại hơn môi trường:
Rất nhiều quy định của WTO đặc biệt chú trọng đến vấn đề môi trường.
Lời nói đầu của “Hiệp định Marrakesh thành lập WTO” ghi nhận trong số các mục tiêu của nó có việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trong số đó, quan trọng nhất là các điều khoản bảo vệ (như Điều 20 của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại), cho phép nước thành viên WTO áp dụng các biện pháp để bảo vệ đời sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị cạn kiệt. Ngoài những nguyên tắc chung này, trong mỗi hiệp định về một vấn đề cụ thể đều có điều khoản chi tiết về bảo vệ môi trường. Mục tiêu môi trường được xem xét hết sức cụ thể và thận trọng trong từng hiệp định của WTO về tiêu chuẩn hàng hoá, an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ, v.v.
Bên cạnh đó, hệ thống thương mại WTO cùng các quy tắc của nó giúp các nước thành viên sử dụng nguồn tài nguyên quý hiếm một cách có hiệu quả và tránh lãng phí.
Một phán quyết gần đây về vấn đề nhập khẩu tôm và bảo vệ rùa biển đã củng cố những nguyên tắc này. Theo nội dung của phán quyết, nước thành viên của WTO có thể áp dụng một số biện pháp để bảo vệ môi trường theo cách riêng của mình và bảo vệ các loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Nguyên tắc quan trọng trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường là công bằng, không phân biệt đối xử.
Các nước thành viên không được dễ dãi với các nhà sản xuất của nội địa trong khi khắt khe với hàng hoá, dịch vụ của nước ngoài. Hoặc là phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại khác nhau.
Một điều quan trọng nữa là: WTO không có nghĩa vụ xây dựng các quy tắc quốc tế về bảo vệ môi trường. Đó là nhiệm vụ của các tổ chức môi trường và các Công ước. Sự chồng chéo giữa các hiệp định về môi trường và WTO trong các hoạt động thương mại (như sự trừng phạt hoặc hạn chế nhập khẩu khác) được đưa vào thực hiện trong một hiệp định. Do đó, không có sự xung đột giữa các hiệp định của WTO và các hiệp định quốc tế về môi trường 
5. Coi trọng lợi ích thương mại hơn sức khoẻ và sự an toàn:
Các hiệp định của WTO là do các nước thành viên đàm phán nên chúng phản ánh lợi ích và sự quan tâm của mỗi nước thành viên.
Các điều khoản chủ chốt trong một số hiệp định (như Điều 20 của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại) cho phép thành viên của WTO áp dụng một số biện pháp để bảo vệ đời sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật và thực vật. Tuy nhiên bất kỳ biện pháp nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chung của WTO và nước áp dụng không được sử dụng chúng như là phương tiện bảo hộ các nhà sản xuất nội địa.
Một số hiệp định quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn của sản phẩm, sức khoẻ và an toàn thực phẩm cũng như những sản phẩm khác có nguồn gốc từ động thực vật. Việc quy định như vậy là nhằm bảo vệ quyền của nước thành viên trong việc bảo đảm sự an toàn của công dân nước mình.
Đồng thời, những hiệp định này được thiết lập để ngăn chặn việc các nước xây dựng những quy định trái ngược nhằm phân biệt đối xử đối với hàng hoá, dịch vụ của nước ngoài.
WTO không tự nó đặt ra những tiêu chuẩn này. Trong một số trường hợp, các hiệp định quốc tế khác được ghi nhận trong các hiệp định của WTO. Thí dụ: Sự thống nhất tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm ghi nhận trong Codex Alimentarius theo tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng không có sự bắt buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế chẳng hạn như tiêu chuẩn được ghi nhận trong Codex Alimentarius. Mỗi nước có quyền tự do đặt ra hệ thống tiêu chuẩn riêng của mình miễn là chúng không trái với nguyên tắc chung cũng như không mang tính chất phân biệt đối xử. 
6. WTO làm mất việc làm và tăng sự nghèo đói:
Sự quy kết này là không đúng và thái quá. Thương mại có thể là một động lực mạnh mẽ tạo ra việc làm và giảm đói nghèo. Đôi khi phải có sự điều chỉnh cần thiết để giải quyết nguy cơ mất việc làm. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào việc bảo hộ cũng không được xem là một giải pháp.
Mối quan hệ giữa thương mại và sự phát triển là phức tạp. Thương mại tự do và ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế. Nó có tiềm năng tạo ra việc làm và cũng giúp cho việc xoá đói giảm nghèo và thường là cả hai. Bên được lợi nhiều nhất là nước hạ thấp rào cản thương mại.
Nước xuất khẩu vào nước hạ thấp rào cản cũng có lợi, nhưng ít hơn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nội địa và công nhân của các nước hạ thấp rào cản (trước đây được bảo vệ) rõ ràng là phải đối mặt với sự cạnh tranh mới khi hàng rào thương mại thấp hơn. Một số nhà sản xuất nội địa tồn tại được là vì biết tạo cho mình khả năng cạnh tranh tốt hơn. Một số hội nhập nhanh hơn bằng việc tìm nguồn nhân lực mới.
Cụ thể, một số nước hội nhập tốt hơn so với nước khác. Đó là do những nước này có chính sách hội nhập hiệu quả hơn. Những nước không có chính sách hội nhập hiệu quả sẽ bỏ lỡ thời cơ là sự thúc đẩy mà thương mại đem lại cho nền kinh tế.
WTO giải quyết vấn đề này bằng một số cách. Trong hệ thống thương mại WTO, sự tự do hoá được thực hiện một cách từ từ tạo điều kiện về mặt thời gian cho các nước thành viên thực hiện việc điều chỉnh cần thiết. Nhiều quy định trong các hiệp định cho phép nước thành viên áp dụng một số biện pháp tình thế nhằm giảm thiểu các thiệt hại do việc nhập khẩu có thể gây nên. Các biện pháp này, tất nhiên, phải tuân theo những quy định và trình tự hết sức chặt chẽ.
Đồng thời, sự tự do hoá trong hệ thống thương mại WTO là kết quả của việc đàm phán. Những nước cảm thấy chưa kịp thích ứng với việc mở cửa, có thể phản đối yêu cầu mở cửa đối với một số lĩnh vực cụ thể.
Trong khi thế giới vẫn còn 1.5 tỷ người dân sống trong tình trạng đói nghèo, chính sách tự do hoá thương mại đã giúp ba tỷ người thoát khỏi cuộc sống đói nghèo kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II.
7. Các nước nhỏ không có tiếng nói trong WTO:
Trong hệ thống thương mại WTO, tất cả các nước (dù là nước phát triển hay nước đang phát triển) đều phải tuân theo một quy luật chung. Trong quá trình giải quyết tranh chấp của WTO, nhiều nước đang phát triển đã thành công trong việc không thừa nhận các biện pháp của các nước phát triển. Không có WTO, những nước này hẳn đã không có đủ khả năng để chống lại các nước có nền kinh tế mạnh hơn.
Hơn nữa, các nguyên tắc cũng như các hiệp định của WTO đều được thiết lập dựa trên việc đàm phán đa phương. 
8. WTO là công cụ của sự vận động hành lang:
Đây là kết quả đương nhiên của kiểu đàm phán “vòng tròn” (đàm phán với nhiều thành phần khác nhau) vì khi đó các lợi ích khác nhau được cân đối. Mỗi nước thành viên của WTO sẽ dễ dàng hơn trong việc loại bỏ áp lực từ các nhóm vận động riêng biệt với lý do nó phải kết hợp các lợi ích của đất nước.
Một sự hiểu sai có liên quan là về tư cách thành viên. WTO là tổ chức của các chính phủ.
Các tổ chức tư nhân, tổ chức phi chính phủ cũng như những nhóm vận động khác không tham gia trực tiếp vào hoạt động của WTO, ngoại trừ một số sự kiện đặc biệt như hội thảo, hội nghị chuyên đề, đều có thể tạo sự ảnh hưởng đối với quyết định của WTO thông qua chính phủ của mình. 
9. Các nước yếu hơn bị buộc phải gia nhập WTO:
Không đúng: Hầu hết các nước cảm thấy rằng họ có vị thế cao hơn khi gia nhập WTO. Điều đó giải thích tại sao danh sách các nước thành viên của WTO bao gồm những nước phát triển và đang phát triển.
Bằng cách gia nhập WTO, thậm chí là nước nhỏ cũng tự động được hưởng những lợi ích mà tất cả các nước thành viên trong WTO dành cho nhau.
Các nước có thể quyết định không gia nhập WTO mà đàm phán hiệp định thương mại song phương với nước khác. Để đạt được điều này, các nước đàm phán riêng lẻ đó có thể cần phải có tiềm lực kinh tế . Đó là một vấn đề không hề đơn giản đối với các nước nhỏ. Trong đàm phán song phương nước nhỏ hơn thì yếu thế hơn.
Bằng việc gia nhập WTO, những nước nhỏ có thể tăng cường khả năng thương lượng của mình bằng cách tạo nên một liên minh với những nước có cùng lợi ích.
10. WTO không dân chủ:
Quyết định của WTO nhìn chung được thông qua trên cơ sở đồng thuận.
Sẽ là không đúng nếu nói rằng tất cả các nước có năng lực và thế thương lượng như nhau. Tuy thế, nguyên tắc đồng thuận có nghĩa là tất cả các nước đều có tiếng nói của mình và tất cả các nước đều phải được thuyết phục trước khi đồng ý. Thông thường các nước còn do dự sẽ được thuyết phục qua việc nhận được một lợi ích nào đổi lại cho sự chấp thuận của mình. Đồng thuận cũng có nghĩa là tất cả các nước đều chấp nhận quyết định đó và không có bất cứ sự phản đối nào.
Các nguyên tắc thương mại của WTO, thành quả của các Vòng đàm phán Uruguay, được các nước thành viên chấp thuận và được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Các bài khác
Tư vấn đầu tư
Tư vấn đầu tư
Kết nối doanh nghiệp
Kết nối doanh nghiệp
Xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại
Tài liệu - Ấn phẩm
Tài liệu - Ấn phẩm
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG
TRUNG TÂM THAM VẤN WTO và FTAs
WTO