Đó là chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ Công thương tại Nghị quyết 164/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Cho rằng, trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thúc đẩy đàm phán, ký kết FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ… để mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Cùng đó, Bộ này phải phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hiệu quả, bền vững qua cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại mà Bộ Công thương vừa công bố cho biết, kinh tế toàn cầu trong 9 tháng 2023 phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các ạt động kinh tế tiếp tục suy giảm.
Từ đó, kéo theo các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức, xuất khẩu vẫn đối mặt đà suy giảm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU...
9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.
Xuất khẩu sang Mỹ 9 tháng đạt 70,9 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU giảm 8,2%; thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%, duy nhất có thị trường Trung Quốc tăng trưởng 2,1%, đạt 42,2 tỷ USD.
Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%.
Theo Bộ Công thương, nhờ thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đánh dấu đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương.
Năm 2023, xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng 6%, nhưng kết quả 9 tháng vẫn đang hụt hơi hơn 23 tỷ USD so với cùng kỳ.
Lúc này, sức ép rút ngắn mức giảm xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm 2023 đang đè nặng lên vai các ngành hàng chủ lực, mục tiêu là kéo giảm mức giảm hơn 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu 9 tháng về mức thấp hơn nhờ tận dụng cầu hàng hóa tại các thị trường lớn hồi phục dịp cuối năm.
Nguồn: baodautu.vn