Sau thời gian dài suy giảm, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã dần xuất hiện tín hiệu hồi phục. Đây là cơ sở để xuất khẩu có thể “thoát đáy”, phục hồi trong những tháng còn lại của năm 2023.
Xuất khẩu thoát đáy, bắt đầu hồi phục
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ghi nhận, tháng 10, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022. Ngoài sự tăng trưởng vẫn rất tích cực ở nhóm nông sản với mức hơn 31% thì lâm sản và thủy sản đang thu hẹp đà giảm khá tích cực.
Đáng chú ý, nhóm nông sản xuất khẩu đạt gần 22 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước. Trong đó, các mặt hàng rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng gần 80%; gạo đạt gần 4 tỷ USD, tăng khoảng 35%; hạt điều gần 3 tỷ USD, tăng khoảng 15% và sản phẩm chăn nuôi 402 triệu USD, tăng 22%.
“Do các tháng đầu năm xuất khẩu giảm sâu nên tính chung 10 tháng giá trị xuất khẩu vẫn còn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 43,08 tỷ USD”, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản, do tổng cầu giảm bởi tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gỗ liên tục suy giảm kể từ đầu năm 2023.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Chỉ dấu cho thấy, sự hồi phục thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại trong tháng 9 và tháng 10/2023, góp phần thu hẹp mức giảm trong 10 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ghế khung gỗ trong tháng 9/2023 tăng 19,6% so với tháng 9/2022; trong tháng 10/2023 tăng 21% so với tháng 10/2023. Xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn đạt 148 triệu USD trong tháng 9/2023, tăng 38,2% so với tháng 9/2022; đạt 152 triệu USD trong tháng 10/2023, tăng 37% so với tháng 10/2022. Đặc biệt xuất khẩu dăm gỗ trong tháng 10/2023 tăng tới 30% so với tháng 10/2022.
Bộ Công thương cũng nhận định xuất khẩu đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 sau khi chững lại trong tháng trước.
Sau mức sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 (giảm 6,3%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.
Qua theo dõi của Bộ Công thương, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 2%; thị trường châu Âu giảm 7,2%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Phi tăng 6,1%; châu Đại dương giảm 6,5%).
Vẫn cần cải thiện khâu chế biến
Trong báo cáo vĩ mô, Ngân hàng HSBC cũng đánh giá: Sáu tháng trước có dấu hiệu phục hồi, xuất khẩu Việt Nam tháng 10 tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhóm phân tích, mặc dù mỗi sản phẩm một khác, nhưng các dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang phục hồi ổn định khỏi suy thoái thương mại toàn cầu. “Nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi trong hai tháng cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tăng tốc. Đây là tín hiệu cho sự phục hồi được mong đợi từ lâu trong lĩnh vực thương mại, được kỳ vọng sẽ nâng mức tăng trưởng năm 2024 lên 6 - 6,5% theo mục tiêu của Chính phủ”’, báo cáo nêu.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bộ Công thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định. Đồng thời, phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Với thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương định hướng nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành thủy sản. Hy vọng rằng qua các sự kiện xúc tiến thương mại, lĩnh vực thủy sản sẽ đóng góp và xuất khẩu cho các ngành thủy sản từ nay đến cuối năm.
Song, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại lưu ý: Không chỉ riêng ngành thủy sản, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam còn là một trong những điểm cần phải được sự đầu tư hơn nữa, đơn cử vấn đề chế biến sâu hơn. Chúng ta cần phải có sự đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, ngư dân, để hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.
“Từ nông sản cho đến thủy sản khâu chế biến còn rất yếu. Chính vì vậy, Nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách phù hợp cho doanh nghiệp cũng như người dân để đầu tư sâu hơn vào chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, cần tìm cách giảm chi phí logistics, cải thiện khâu chế biến sau quy hoạch để sản phẩm được bảo quản tốt hơn, chất lượng tốt hơn”, ông Lê Hoàng Tài chia sẻ.
Nguồn: Báo Nhân dân